Thức Yến - Chương 160
Chương 160
Hoá ra, hôm đó Mạnh Bất Ly giả chết qua mặt Hồ Trí Nhân, chờ Hồ Trí Nhân đi khỏi thì đánh thức Hội Uý quận chúa, thấy nàng ấy không sống nổi bao lâu bèn dứt khoát tháo chạy một mình. Hắn định về cung báo tin nhưng gặp được Phong Tiểu Nhã ngoài rừng nên được cứu.
Nhưng hắn vẫn nhớ lời hứa ngày đó với Yên vương sau khi Tạ Trường Yến mất tích, thế là thương thế còn chưa khỏi đã không từ mà biệt, lên đường đuổi theo Hồ Trí Nhân. Giữa chừng gặp Tạ Phồn Y, hai người liên thủ tìm được nơi ẩn thân của Hồ Trí Nhân, Tạ Phồn Y làm mồi nhử đệ tử Như Ý Môn đi khỏi, Mạnh Bất Ly quyết đấu một trận với Hồ Trí Nhân rồi giết chết hắn.
Tạ Phồn Y bảo hắn đưa thủ cấp của Hồ Trí Nhân về, tiện đó mang một thứ về giao cho Tạ Trường Yến.
Đó là một chiếc hộp nhỏ, đặt bên cạnh Hồ Trí Nhân. Tạ Trường Yến mở ra xem, là phượng ấn của hoàng hậu.
“Bệ hạ, ngài nói xem tam tỷ tỷ làm vậy là có ý gì?”
Đêm khuya, dưới ánh đèn, Chương Hoa vừa kiểm tra thi thể của Hồ Trí Nhân vừa đáp: “Nàng ta giết nàng hai lần nên nợ nàng hai mạng.”
“Vậy tỷ ấy nói trả ta một mạng, chính là mạng của Hồ Trí Nhân, thế một mạng còn lại là gì?”
“Nếu trẫm không đoán nhầm thì là mạng của nàng ta.” Chương Hoa đứng thẳng người dậy, rửa tay, che khăn lên, “Như Ý ngũ bảo, đến nay đã biết Pha Lê và Xích Châu chết rồi.”
Tạ Trường Yến nhìn câu cuối cùng trên tờ giấy, “Vậy, bao giờ Như Ý Môn diệt vong?”
Chương Hoa nhận lấy tờ giấy, nhìn hàng chữ bên trên rồi mỉm cười: “Nhanh thôi.”
Không lâu sau, trong cung đưa tin, hoàng hậu Tạ Phồn Y quá đau buồn trước cái chết của Thái thượng hoàng, bệnh nặng qua đời. Đồng thời còn xảy ra một chuyện nhỏ không đáng nhắc cho lắm: nha dịch Trịnh Đoan Ngọ của huyện Cẩm Tú Nghi quốc lẻn vào hoàng cung trong đêm, giết một thương nhân tên Hồ Trí Nhân, nghe nói kẻ này đã ra tay giết hại Lý đại nhân của Nghi quốc, sau đó về nước phục mệnh rồi. Yên vương phẫn nộ, cho người truy bắt mà không có thu hoạch, viết thư quở trách Nghi vương lộng quyền giành người.
Một năm sau, đến hạn xả tang, Yên vương hạ chỉ lập Tạ Trường Yến làm hậu. Quả nhiên kéo theo một loạt ý kiến, nói thế nào cũng có.
Mà một trong các đương sự là Tạ Trường Yến đang ngồi ngay ngắn trong điện Chấp Minh, nhìn các cung nữ mang từng món quà mừng đại hôn vào.
Quà là của các văn võ bá quan gửi tặng, lụa là gấm vóc vàng vòng phần lớn đều chẳng có gì thú vị, Tạ Trường Yến đang thấy nhàm chán thì Cát Tường nhìn danh sách, hô: “Cầu Lỗ Quán Công Thâu Oa tặng…”
Tạ Trường Yến phấn chấn hẳn lên: “Mang qua đây mang qua đây! Xem xem thầy chuẩn bị quà gì cho ta nào, chắc chắn rất hay ho…”
Cung nữ dâng một chiếc hộp dài lên, bên trong là một cuộn tranh.
Tạ Trường Yến cười nói: “Lẽ nào lại là bản đồ đặc biệt nào đó?” Vừa mở ra, nàng im bặt.
Trên tranh, giữa dòng sông xanh dài miên man là một con thác màu đỏ máu đổ thẳng xuống, khí thế bức người.
Lạc khoản phía sau đề “Vẽ tại sông cực Bắc, mùng chín tháng giêng năm Hoa Trinh thứ bảy”, tên “Thập Cửu”.
“Á…” Tạ Trường Yến không khỏi hô lên một tiếng. Là người đó, là đệ tử Ngân Môn Thập Cửu được Cung Tiểu Huệ cứu lên với nàng ngày đó. Hắn đi thật rồi! Thật sự đi ngắm nhìn những phong cảnh kỳ ảo đó rồi!
Ngưỡng mộ quá… Nhưng mà khoan đã, đây là của người khác tặng sao lại ghi tên Công Thâu Oa!
“Chỉ có cái này thôi à? Thầy không tặng ta cái gì khác sao?”
Cát Tường thở dài: “Còn một bức tấu thư đòi tiền, bệ hạ tiện tay xé mất rồi.”
Tạ Trường Yến cười ha ha: “Xé hay lắm! Bệ hạ đang ở đâu?”
Cát Tường do dự giây lát mới nói: “Bệ hạ đến nhà trúc trên rừng Vạn Dục rồi.”
Tạ Trường Yến như ngộ ra điều gì, nụ cười dần dần tan biến.
Lúc Tạ Trường Yến đến nhà trúc, trong nhà không có ai.
Nàng tìm một vòng cũng không thấy Chương Hoa đâu, sực nhớ ra một chuyện bèn đi đến thác nước gần bên nhà trúc.
Mặt hồ xanh như ngọc. Trên tảng đá cạnh hồ quả nhiên có y phục của Chương Hoa, được xếp rất ngay ngắn.
Tạ Trường Yến ngẫm nghĩ rồi cũng cởi áo ngoài ra, buộc tóc lên cao rồi nhảy xuống.
Dưới đáy hồ, nàng nhìn thấy Chương Hoa ngồi ôm gối, nhắm mắt không biết đang nghĩ gì.
Tạ Trường Yến bơi qua, ôm lấy chàng.
Chương Hoa mở mắt, trông thấy nàng, hơi ngạc nhiên, sau đó ôm nàng ngoi lên khỏi mặt nước.
“Trẫm không sao.” Chàng lau giọt nước trên mặt rồi nói, “Thoải mái hơn nhiều rồi.”
Tạ Trường Yến kéo chàng lên bờ, cầm y phục về nhà trúc, lau người rồi mặc áo lên giúp chàng.
Chương Hoa im lặng đưa mắt nhìn về một hướng, Tạ Trường Yến quay đầu, phát hiện nơi đó là bức tường từng treo Tề Vật Luận, nay chỉ còn lại vết in mờ mờ.
Nàng thấy hơi áy náy: bức hoạ tự đó nàng để trên thuyền đỏ, lúc thuyền nổ cũng mất luôn rồi.
Chương Hoa lên tiếng: “Lúc phụ vương ra đời cũng là huynh đệ sinh đôi, nhưng đệ đệ của ông ấy, hoàng thúc của trẫm rất yếu ớt, còn chưa bắt đầu uống nước đã phải uống thuốc. Phụ vương chứng kiến nỗi đau của hoàng thúc từ nhỏ. Năm mười tuổi, cuối cùng hoàng thúc cũng không trụ được nữa, nằm trên giường bệnh đau đớn không thiết sống, xin Hoàng tổ phụ ban cho ông ấy cái chết. Hoàng tổ phụ không đồng ý, ông ấy van xin cả đêm, cuối cùng mới tắt thở. Phụ vương ở bên cạnh sợ đơ cả người…”
Không ngờ còn có đoạn quá khứ này! Tạ Trường Yến kinh ngạc.
“Thế nên trẫm có thể hiểu tại sao ông ấy lại nhẫn tâm giữ một bỏ một như thế, tại sao có thể đối xử tàn nhẫn với Tri Hạnh như thế. Vì ông ấy mong nhanh chóng chấm dứt đau khổ của đệ ấy.”
Nhưng không ngờ Tạ Tri Hạnh có thể sống sót. Nhờ thuật luyện đan và y thuật mèo cào khi đó của Tạ Hoài Dung mà được sống sót.
Nàng từng viết thư cho ngũ bá xác nhận chuyện này, trên bức thư ngũ bá hồi âm cho nàng chỉ có mấy chữ: “Càn Vi Thiên. Quân tử đương nhân.”
Năm đó, Tạ Hoài Dung bói một quẻ cho Tạ Tri Hạnh, là Càn Vi Thiên, điềm báo đại cát, ngụ ý “Trời vận động mạnh mẽ, người quân tử nên biết tự cường vươn lên không ngừng nghỉ”(*).
(*) Lời tượng trong quẻ Càn.
Do đó, Tạ Hoài Dung thuận theo ý trời cứu y, nuôi dưỡng y, trong tự bối(*) “Tri” của Tạ gia, đặt tên là Hạnh. Tri Hạnh.
(*) Hay còn gọi là tên thế hệ, anh chị em trong cùng một thế hệ của gia tộc sẽ có chung một tên đệm.
“Năm mười lăm tuổi trẫm biết chuyện, tinh thần sa sút hết một khoảng thời gian. Đêm trước ngày đại hôn, phụ vương phái cung nữ đến dạy cho trẫm chuyện phòng the. Khi đó trẫm nghĩ, đời ông, đời cha đều như vậy, con của trẫm có thể cũng là sinh đôi. Nếu gặp chuyện này thì trẫm phải làm sao? Phải làm sao? Lâu dần biến thành hoài nghi, ngờ vực vô căn cứ.”
Tạ Trường Yến sững sờ. Yên vương mãi không đại hôn, hậu cung không một phi tử, người đời đều nói chàng luyến đồng, không ngờ đằng sau là nguyên nhân thế này.
Chương Hoa nhìn chằm chằm Tạ Trường Yến, ánh mắt là nỗi bất an và áy náy hiếm thấy: “Vãn Vãn, trẫm có thể cho nàng cơ hội lựa chọn lần nữa.”
Chọn lựa thoát khỏi số mệnh bi ai này.
Chọn một cuộc đời tự do tự tại.
Chỉ cần nàng muốn, trẫm, có thể toại nguyện cho nàng.
Tạ Trường Yến nghĩ ngợi hồi lâu rồi bước lên, hôn lên môi chàng.
Chương Hoa giật mình, nhất thời không biết phải phản ứng thế nào, cứ đứng im bất động như thế.
Tạ Trường Yến từ từ cởi y phục nàng vừa thay lên cho chàng rồi cởi của mình. “Thì ra bệ hạ sợ chuyện này à… Nhưng không phải nhị ca đã chứng minh cho bệ hạ thấy rồi sao? Thật ra vẫn có thể sống sót cơ mà. Chúng ta, cũng không giống Hoàng tổ phụ và phụ vương.”
Chúng ta chưa từng từ bỏ hy vọng.
Chúng ta, không giống.
Gió xuân nhẹ lướt mặt hồ, sóng nước lăn tăn.
Phấn hương vấn vương bên gối, cùng người vui tận đêm nay.
Mùng một tháng tư năm Hoa Trinh thứ tám, Yên cương nghênh đón tân hậu, cả nước cùng chung vui.
Đế hậu ngồi trên đại điện, cầm rượu ngon Bà Sa, kính chúng thần cùng say.
Phong Tiểu Nhã tấu đàn, hát khúc Lộc Minh…
Tác tác hươu kêu, ăn cỏ ngoài đồng. Ta có khách quý, nổi trống thổi sênh. Sáo kèn thổi vang, mang lụa trao khách. Hỡi người thương mến, chỉ tỏ lối về.
Tác tác hươu kêu, gặm hao ngoài đồng. Ta có khách quý, tiếng lừng bay cao. Thị dân hết thói khinh bạc, quân tử đã làm gương. Ta có rượu ngon, khách quý nâng chén chung vui.
Tác tác hươu kêu, gặm cỏ ngoài đồng. Ta có khách quý, nổi trống thổi sênh. Sáo kèn thổi vang, hưởng chung vui vầy. Ta có rượu ngon, mở tiệc đãi khách lòng vui.
Rượu đến giữa chừng, Phong Tiểu Nhã thu đàn, ra sau điện từ biệt đế hậu.
Chương Hoa dường như đã liệu trước, im lặng giây lát rồi nói: “Đến lúc rồi, đi đi.”
Tạ Trường Yến nhìn Tiêu Bất Khí và Mạnh Bất Ly sau lưng y: “Mạnh huynh cũng đi sao?”
Mạnh Bất Ly khom người hành lễ với nàng.
Tạ Trường Yến hơi không nỡ nhưng nghĩ đến chuyện hắn vốn là tuỳ tùng của Phong Tiểu Nhã nên đành kiềm nén cảm xúc. Nàng rót ba ly rượu, đưa đến trước mặt ba người: “Chuyến này đi Nghi Bích, nguy hiểm khó lường. Song, ta và bệ hạ, chúng ta chung một kẻ thù.”
Phong Tiểu Nhã và Mạnh Bất Ly đón lấy ly rượu, uống cạn.
Phong Tiểu Nhã dẫn Mạnh Bất Ly và Tiêu Bất Khí rời đi, tựa như ba linh hồn dưới ánh trăng, dần dần khuất khỏi tầm mắt.
Tạ Trường Yến lẩm bẩm: “Trù tính và ấp ủ cả một năm, kế hoạch đối phó Như Ý Môn cuối cùng cũng bắt đầu rồi… Chỉ mong khi Hạc Công gặp lại Thu Khương chớ có mềm lòng. Chỉ cần ngài ấy trụ vững, chắc chắn có thể thành công.”
Chương Hoa bước qua, nắm lấy tay nàng: “Nguyện đồng hành.”
– Hết chính văn –
Vĩ thanh Hậu ký
Vĩ Thanh
Cách đó ngàn dặm, trong vương cung Trình quốc, nữ đế trẻ Di Thù mơ màng trở mình, bỗng nghe thấy tiếng nước chảy, giật mình tỉnh giấc.
Nàng ta mở mắt, phát hiện một người ngồi trong phòng, đang rót trà, quay lưng lại với nàng ta.
Di Thù định hô lên theo bản năng thì người nọ quay đầu nói: “Nữ vương bệ hạ, lâu ngày không gặp, có khỏe không?”
Đèn lồng ở gian ngoài chưa tắt hết, ánh sáng mờ ảo chiếu lên mặt người nọ. Di Thù thở phào, vỗ vỗ ngực: “Là ngươi à, Thu Khương. À, không, nên gọi ngươi là… Như Ý phu nhân nhỉ?”
Thu Khương đặt tách trà xuống, mỉm cười với nàng ta.
Hậu Ký
Năm 2010, lúc viết xong Đồ Bích tôi đã muốn viết câu chuyện của Di Phi rồi, nội dung nghĩ xong rồi, tên cũng nghĩ xong cả rồi, tên là Quy Trình, thậm chí đã viết được 200 nghìn chữ, nhưng mà… Một hôm nọ đọc lại, cảm thấy không như ý lắm, chưa bày tỏ hết những gì tôi muốn thể hiện. Thế là tạm dừng, sửa đổi, viết lại. Mà đồng thời, câu chuyện của Chương Hoa trong quá trình viết Quy Trình trở nên phong phú hơn: À, y là một hoàng đế như thế à, còn sủng thần Phong Tiểu Nhã của y nữa, nam phụ của Quy Trình, thì ra là một sự tồn tại như thế…
Cấu tứ của Thức Yến dần dần hoàn thiện.
Mỗi lần viết không nổi Quy Trình nữa, tôi sẽ sang viết một chút Thức Yến… Khi mà thấy Thức Yến đã tiết lộ hết mọi ngọn nguồn duyên cớ của Quy Trình, bức tường ngăn cách giữa tôi và Quy Trình cuối cùng cũng sụp đổ, nhìn thấy dung nhan tuyệt đẹp phía trong tường.
Hoá ra là thế. Tôi quá chú tâm vào việc đào hố, viết nhân quả, trái lại trở thành trở ngại lớn nhất trong lúc viết Quy Trình. Quy Trình, không nên là “quá khứ của Thu Khương và Phong Tiểu Nhã như thế nào”, mà là quá trình “Thu Khương và Di Phi diệt trừ Như Ý Môn như thế nào”. Đây mới thể hiện đúng chân lý của chữ “quy” trong câu chuyện.
Vậy nên tôi bắt đầu nghiêm túc viết Thức Yến, viết về Chương Hoa và hoàng hậu thú vị của y, viết cảnh lần đầu gặp gỡ của y và Tiết Thái, viết trải nghiệm ở Trình quốc của y. Khi viết lại cảnh tam vương dạ đàm ở Trình quốc, tôi cảm thấy cực kỳ thú vị, hoá ra dưới góc độ của Khương Trầm Ngư thì cảnh tượng là như thế này, mà khi chuyển thành Chương Hoa thì hàm ý trong mỗi câu nói lại khác hoàn toàn như thế.
Thật là hay ho quá đi… Tác giả tôi cũng rất bất ngờ đấy chứ. Không biết các bạn độc giả khi đọc lại đoạn này sẽ có cảm giác gì?
Tóm lại, cách biệt tám năm, tác giả tôi lại mang hệ liệt Hoạ Quốc quay trở lại rồi đây. Xin chỉ giáo nhiều hơn. Cũng hy vọng các bạn sẽ yêu thích cặp đôi Chương Hoa và Tạ Trường Yến.
Thập Tứ Khuyết vào một ngày mùa xuân nắng đẹp.
– HẾT –
Có Hết:
Hành trình ở Yên quốc chính thức khép lại, mở ra hành trình trở về (Quy Trình có nghĩa là đường về) đầy gian nan, hành trình sáu năm của Phong Tiểu Nhã cũng chính thức bắt đầu.
Sau hơn cả năm trời thì cuối cùng tui đã có thể tuyên bố hoàn thành Thức Yến!!!
Đọc Đồ Bích từ 4 5 năm trước (không nhớ nữa nhưng hình như là khoảng này), đọc lại mấy lần, khóc vì các nhân vật của Đồ Bích mấy lần, tiếc nuối vì cái chết của Cơ Anh mấy lần, đến giờ vẫn thấy tiếc. Hoạ Quốc chiếm một vị trí số 1 trong lòng t, bao nhiêu năm vẫn không thay đổi. Hệ liệt Hoạ Quốc không đơn thuần là viết về tình yêu, nó là câu chuyện của những con người không bao giờ chấp nhận số mệnh. T thích cách mà 14 dành tình yêu cho Cơ Anh, 14 thật sự rất rất yêu công tử luôn, một người đã chết từ giữa Đồ Bích rồi nhưng mãi đến Lại Nghi vẫn có bóng dáng công tử. Cơ Anh chết nhưng vẫn sống, sống trong lòng tất cả mọi người. Tiếc nuối của Cơ Anh, những gì Cơ Anh chưa làm kịp, sang Quy Trình, Tiết Thái, Thu Khương,… sẽ làm giúp chàng.
Tóm lại là… tạm biệt Chương Hoa và Trường Yến thôi, hành trình của hai người kết thúc ở đây, tuy rằng hai người không xuất hiện trong 2 bộ sau nữa nhưng tin là phía sau Phong Tiểu Nhã luôn luôn có hai người tiếp sức.
Như đã nói t sẽ làm tiếp Quy Trình và Lại Nghi, do là dịch song song nên tiến độ chắc chắn sẽ chậm hơn bộ này. Thôi thì không sao, mọi người tò mò Quy Trình có thể đọc của một bạn khác đang dịch (dịch đến quyển 2 rồi thì phải), không phải chờ t đâu. Cả 2 bộ này chắc phải giữa hoặc cuối 2025 mới full được (nghe xa vời ghê), nhưng đời người luôn là những cuộc hành trình mà, mỗi lần full một bộ nhìn lại là hành trình cả 1 năm của mình, cảm thấy tự hào ghê, cảm thấy thời gian trôi nhanh ghê, đồng thời cũng khâm phục mình ghê.
Vậy nhé, không nói lan man nữa, lời cuối cùng xin gửi lời cảm ơn đến tất cả những bạn đã theo dõi Thức Yến cho đến hôm nay. Cmt của mọi người t đọc được hết, rất cảm ơn mọi người đã đồng hành trong suốt khoảng thời gian qua. T cũng có một niềm hy vọng như 14 là mọi người sẽ thích Hoạ Quốc như t thích và yêu nó vậy.
Sắp đến Tết rồi, chúc mọi người một năm mới bình an, hạnh phúc, vạn sự như ý, mỗi ngày đều là một niềm vui.
Cảm ơn, tạm biệt và hẹn gặp lại.