Khánh Dư Niên - Chương 2089
Chương 2089: Cầu vồng tại Nam Khánh năm thứ mười hai 17
๑ ๑ ๑ ۩ ۩ ۞ ۩ ۩ ๑ ๑ ๑
Sau này bệ hạ biết chìa khóa đang ở trong tay mình, nên chỉ để lại bức thư và tấm lụa trắng này.
Phạm Nhàn dùng đầu ngón tay nhẹ nhàng vuốt ve bề mặt tấm lụa, định thần lại rồi cẩn thận mở bức thư không dán kín, chăm chú đọc. Lông mày y nhăn dần rồi thư giãn trở lại.
Đây là một phong thư năm xưa Diệp Khinh Mi viết gửi cho Khánh Đế. Qua những lời trong thư, Hoàng đế đã biết tấm lụa trắng kia là gì, đó chính là tấm lụa trắng mà lúc trước Thái hậu ban cho Diệp Khinh Mi để tự sát. Nhưng… sau khi Diệp Khinh Mi nhận được chỉ dụ ở Thái Bình biệt viện, cô gửi trả nguyên vẹn tấm lụa trắng cho hoàng cung, đặt ngay trước giường của Thái hậu.
Chắc chỉ có Ngũ Trúc thúc mới có thể làm được việc này. Có lẽ hôm ấy Thái hậu sợ hãi kinh hoàng, nên vẫn giữ lại tấm lụa trắng ấy, để tăng thêm lòng căm phẫn sâu sắc với yêu nữ Diệp Khinh Mi?
Nhưng ngoài việc dùng giọng điệu ngang bướng kể lại chuyện này, để bày tỏ sự bất bình mãnh liệt của mình, trong bức thư của Diệp Khinh Mi không còn điều gì đáng chú ý khác, toàn bộ chỉ là những chuyện gia đình bé nhỏ, Ngũ Trúc thế nào, Phạm Kiến ở thanh lâu ra sao, cộng với những nét chữ vụng về, thật sự không đành lòng nhìn tiếp.
May là chỉ có hai trang giấy mỏng manh. Phạm Nhàn càng ngày càng không hiểu, tại sao Hoàng đế lại trân trọng bức thư này đến thế, thậm chí cuối cùng còn để lại cho mình? Chẳng lẽ trước đây mình đoán sai, dù là tấm lụa trắng hay chìa khóa, hay là bức thư này, thực ra đều do Hoàng đế cất giữ trong Hàm Quang điện, chứ không phải do Thái hậu?
Y lắc đầu, không suy nghĩ những vấn đề này nữa, bởi chẳng ai biết được câu trả lời, liền chú ý đến những dòng chữ phía sau tờ giấy thư thứ hai.
Những nét chữ mạnh mẽ này, dù có cố gắng khống chế cảm xúc, vẫn viết ra rất ngay ngắn chỉnh tề, rõ ràng là chữ viết của Hoàng đế.
Phạm Nhàn cẩn thận đọc kỹ rồi thở dài nhẹ nhõm, xiết chặt hai tay, vô thức muốn xé bỏ lá thư nhưng rồi lại cẩn thận đút vào phong bì, cất vào trong ngực.
“Trẫm không sai.”
Đó là những chữ cuối cùng Khánh Đế để lại trên giấy, nhìn thoáng qua là thái độ tự tin kiêu ngạo phi thường, nhưng một lời tuyên bố với nữ nhân đã khuất trên giấy thực chất chỉ có thể là một câu tự vấn day dứt.
Nhưng không ai có thể giải đáp câu hỏi này, ngoài lịch sử. Không, có lẽ ngay cả những quyển sách sử đã khẳng định rõ ràng, cũng khó đánh giá ưu khuyết thị phi của cuộc đời Hoàng đế.
Do chuyện Diệp Khinh Mi và Trần Bình Bình, y chỉ có cừu hận với Hoàng đế bệ hạ, có điều mối quan hệ giữa y và Hoàng đế lão tử, há chỉ đơn thuần là huyết thống như vậy sao, linh hồn bên trong y có thể không công nhận huyết mạch, nhưng không thể thoát khỏi quá khứ mấy năm qua. Tâm trạng y phức tạp tới cực điểm, đến nỗi hoàn toàn vượt ngoài khả năng diễn đạt của ngôn từ.
Hoàng đế bệ hạ đã băng hà. Mà cho đến giờ phút này Phạm Nhàn vẫn cảm thấy trong lòng hoàn toàn tê dại lạnh lẽo, không thể tin vào sự thật này. Y luôn cho rằng nam nhân kia là bậc nhất thiên hạ, là không thể chiến thắng được, sao lại băng hà? Y dường như có phần an tâm, nhưng không có niềm vui sau khi báo thù, có vẻ như có chút bi ai, nhưng sao lại không thể khóc thương? Y chỉ tê dại, lặng lẽ đứng trong làn gió giá rét.
Từ bức thư có thể thấy, thế gian thật sự không có vương đạo chân chính, ra là trong năm qua thân thể Hoàng đế lão tử đã suy nhược, ra là cho dù như lời Diệp Khinh Mi nói, để mỗi người trở thành vua của chính mình, cũng không phải là vương đạo… Phạm Nhàn cùng lập trường mà y bám giữ lại càng không phải.
– Chính như đêm tuyết giá ấy, y nói với Hoàng đế bệ hạ, y chỉ cầu mong bình yên, chỉ mong kết thúc mối ân oán riêng tư, chứ không liên quan tới chuyện chính xác đúng sai. Phải biết rằng nhân loại vốn không phải loài theo đuổi chính nghĩa, chính xác không phải là chính nghĩa, bởi vì chính nghĩa luôn có lập trường.
Y chợt nhớ tới phong thư của Diệp Khinh Mi mà Tĩnh Vương gia cất giữ, nhớ lại năm xưa Diệp Khinh Mi thường gửi thư cho Hoàng đế, luôn bàn về thiên hạ, về chuyện dân sinh, hôm nay những bức thư giọng điệu tầm thường đó chỉ còn một, có lẽ chính vì lý do đó mà Hoàng đế bệ hạ đặc biệt quý trọng?
Một ý nghĩ thoáng qua, khóe môi y không khỏi nở nụ cười khổ. Hoàng đế bệ hạ và Diệp Khinh Mi quả thật là nhân vật phong lưu bậc nhất thiên hạ, phong hoa tuyệt đại tới khó tả, nhưng hai người gặp gỡ trong cuộc đời lại không phải chuyện may mắn. Bệ hạ gặp phải Diệp Khinh Mi như thế, quả là một nỗi đau, còn Diệp Khinh Mi gặp Khánh Đế, thì càng là nỗi đau khó tả.
Phạm Nhàn đứng ngây ngốc trong hoàng cung ban đêm, giữa bãi cỏ dại, thẫn thờ nhìn vết tích của tiểu lâu. Cho đến lúc này, y vẫn không hay Diệp Khinh Mi yên nghỉ chốn nào, nơi Phạm Kiến đưa tới năm xưa nay mới rõ chỉ là một loại an ủi. Bức tranh nữ nhân trong tiểu lâu kia đã thành mây khói tan đi theo gió, Hoàng đế bệ hạ cũng trở thành mây khói theo gió xa bay, hay có lẽ ở một nơi nào đó giữa trời và đất, hai người họ sẽ gặp lại?
Đứng lặng im bao lâu, y dựa bóng đêm lần về Thái Cực điện, chuẩn bị ra khỏi cung. Trong đêm y thấy hoàng cung đèn đuốc sáng choang, nghe giọng nói trẻ trung từ Ngự Thư phòng, thấy những đại thần mới thăng chức khuôn mặt bi thương trong lòng tính toán, không khỏi có phần cảm khái.