25 Giờ - Ngoại truyện 2
Ngoại truyện 2: Nhật ký.
#
Dear Diary,
Đã lâu không gặp —— Hình như tôi cứ lấy câu này làm lời mở đầu giữa chúng ta.
Sáng nay, Tần Tranh lại đem mấy món đồ từ nhà lên trang trí bệ cửa sổ phòng bệnh, gồm cả quyển nhật ký thân yêu này. Hình như bữa trước tôi có tiết lộ cho nhật ký biết, ngoại trừ bài tập viết nhật ký thầy cô giao hồi đi học thì đây chính là những dòng nhật ký nghiêm túc duy nhất mà tôi từng đặt bút viết.
Thi thoảng nghĩ lại thấy thú vị thật. Cũng giống việc cầu nguyện vậy, chúng ta dường như luôn ước mơ về một sự “tồn tại” mà chính chúng ta không biết nó sẽ tồn tại thế nào và liệu có tồn tại hay không, khao khát những điều ta không biết bảo vệ ta, hoặc chỉ đơn giản là lắng nghe ta —— Với tôi mà nói, nhật ký là một sự tồn tại thế ấy.
Tôi không biết Tần Tranh có mở nhật ký ra đọc bao giờ chưa. Quyển nhật ký Edwin để lại không có chỗ khóa, mà nếu có chắc tôi cũng chẳng đả động đến. Thứ nhất, tôi là tên giữ chìa khóa tệ nhất trên đời; thứ hai, tôi cho là bây giờ mình có còn bí mật gì mà người ta không thể biết được đâu.
Người bạn hữu xa lạ, nhật ký thân mến. Dù rằng tôi không muốn nói điều này ra cho lắm, nhưng cuối tuần này là ngày tôi lên bàn mổ. Xác suất một nửa, tôi không biết sau đó liệu mình còn có thể mở mắt ra tâm sự với nhật ký được nữa không. Nên ngày hôm nay trang tâm sự này là dành cho nhật ký, dành cho tôi, và cũng là những dòng tâm sự tầm thường tôi dành cho người yêu của tôi, Tần Tranh.
Người yêu của tôi.
Người yêu tôi (gạch, viết tới lần thứ ba tự dưng thấy sến súa buồn nôn quá) Tần Tranh quá thông minh đi (hình dung như thế phải chưa nhỉ?). Jeff chỉ kéo em đi được một lúc thôi, tôi phải viết cho nhanh để mà viết nhiều thêm được chút nữa.
Viết cái gì đây?
Tôi tên Thẩm Gia Ánh, tên này bà ngoại đặt, với ý nghĩa là “điều tốt đẹp”.
Tôi cũng tên là Thẩm Thiêm, tên này do tự tôi đặt, với ý nghĩa là “bớt nếm trải một nửa khổ đau” —— Tôi biết, suy nghĩ này trẻ con hết sức.
Gia đình tôi là kiểu thị tộc mẫu hệ hiếm hoi giữa xã hội hiện đại. Bằng chứng cụ thể là tôi có bà ngoại và mẹ, nhưng không có ông ngoại hay cha, tôi theo họ mẹ, mẹ tôi theo họ mẹ của mẹ, tôi… Thôi được rồi, mẩu chuyện cười này hình như không được mắc cười cho lắm? Tôi biết mà, mấy trò đùa lạnh toát nhạt nhẽo của tôi nhàm lắm, chỉ có mỗi một người là mê mẩn.
Ngoài thích kể chuyện cười nhạt toẹt giống nhau ra, tính cách các thành viên trong gia đình tôi cũng có những nét khác nhau. Cơ mà ngày xưa Edwin từng nhận xét: Nhà họ Thẩm mang cùng một mã gen chảy khắp cơ thể.
Tôi vẫn nhớ rõ lúc ấy bà ngoại trả lời chắc nịch thế này: Ấy là đương nhiên, ruột thịt cả mà.
Còn tôi thì đồng thanh hỏi lại ông: Hở? Ngả ngớn phải không ông?
Nói thẳng ra tới tận hôm nay vẫn không biết chính xác ông muốn ám chỉ điều gì. Nhưng bây giờ tôi cũng hiểu đại khái, mã gen ấy đúng thật tồn tại, hơn nữa đã từng một lần thôi thúc cả bà ngoại tôi, mẹ tôi lẫn tôi rời khỏi nơi gọi là “nhà”, ra đi không ngoảnh lại hết lần này đến lần khác, trên vai là hành trang mỏng dính như thân xác tôi đây, bước lên con đường kiếm tìm một thứ “ý nghĩa” nào đó.
Sự sống là một chủ đề phức tạp. Vào khoảnh khắc chúng ta mở mắt, ta đã bắt đầu đi trên hành trình tìm kiếm chủ đề này suốt cuộc đời. Có một khoảng thời gian rất dài tôi đã vững tin rằng, quá trình tìm kiếm này là tất yếu, và cũng nhất thiết phải đơn độc. Đến nay, tôi vẫn chưa thay đổi suy nghĩ cố chấp nọ, nhưng nếu bảo tôi vẫn không mảy may chút dao động thì… tôi nghĩ, hoàn toàn không phải.
Nhật ký biết đấy, gia đình chúng tôi tin thờ tín ngưỡng mọi sự vật và cảm xúc sinh không mang đến, chết không mang theo. Tôi vẫn luôn tưởng tượng mình sẽ ra đi tinh tươm không luyến lưu hệt như lúc tôi ra đời. Di thư, tuyệt bút, không nên để lại gì cả. Nhưng vừa mới đây, tôi bỗng nhiên nhận ra một điều, tôi lo Tần Tranh sẽ nhớ tôi.
Hay nói đúng hơn, tôi lo những khi em nhớ về tôi mà tôi lại không ở bên cạnh em, lo điều ấy sẽ khiến em đau khổ, nhưng tôi bất lực. Tôi sợ mình không còn được gặp em.
Thổn thức quá đi, hóa ra lúc “cận kề cái chết” tôi cũng biết sợ. Nhưng thứ tôi sợ nhất không phải là cái chết sẽ xảy đến với mình.
Vẫn chưa rõ lắm, rốt cuộc bây giờ tôi dũng cảm hay là hèn nhát?
Một câu hỏi thật rối rắm.
Tôi không phải người theo chủ nghĩa duy vật một cách kiên định. Sau khi chết liệu có linh hồn hay kiếp sau không, tôi đã từng bàn câu chuyện này với ngoại lẫn Tần Tranh. Tôi suy nghĩ nhiều lắm, không kể từng cái ra được, nhưng tôi nhớ Tần Tranh nói kiếp sau em vẫn muốn làm người.
Ông trời ơi, bây giờ viết câu này ra vẫn phải cảm thán, chấn động không thua gì hồi mới nghe.
Khá lắm công chúa, đức vua, Caesar đại đế.
À còn, không hổ là người tôi thích? [Thẩm Thiêm đã vẽ mặt cười con nít, không đối xứng gì cả nhưng được cái đáng yêu ở chỗ này]
Hình như câu trả lời này có từ lễ Giáng sinh năm ngoái, tôi hẹn gặp Tần Tranh tại Tokyo vào mùa đông.
Đứng trên thang cuốn thật dài ở Shibuya, nhìn ngắm được cảnh đêm thành phố rực rỡ đèn màu. Cảm tạ trời đất cả hai chúng tôi đều không sợ độ cao, chứ cặp đứng trước kia thì hơi xui xẻo —— Tôi còn nhớ rõ mồn một cậu trai kia sắp co quắp cứng ngắc vào người cô bạn gái rồi.
Khi ấy tôi vừa tỉnh táo từ nơi những tòa nhà nhỏ bé lấp lánh đèn hoa đằng xa xa, ngẩng đầu, nhỏ giọng nói: “Đây có phải nấc thang lên thiên đường không em?”
Thoạt tiên chỉ là câu cảm thán thuật miệng bật ra, Thẩm Thiêm không nghĩ mình sẽ nhận được câu trả lời. Ngờ đâu Tần Tranh vừa trả lời tin nhắn xong đút điện thoại vào túi, bình thản đáp: “Người phía trước cũng vừa nói vậy.”
Tôi không biết tiếng Nhật, hơi nghi ngờ Tần Tranh có biết tiếng thật không, bèn hỏi tiếp: “Họ còn nói gì nữa?”
Lần này tôi biết Tần Tranh đang nói bậy dưới điệu bộ nghiêm túc rồi.
Em nói: “Sau khi lên thiên đường, anh ta sẽ nói với thượng đế kiếp sau không quay lại đây nữa.”
Câu trả lời đâm thẳng vào hồn tôi, tôi vô thức hỏi tới cùng: “Thế còn em?”
Hắn đáp: “Tôi? Quay lại.”
Hắn nghĩ ngợi, bổ sung: “Vẫn làm người.”
“… Em nghiêm túc?” Tôi chấn động đến độ không kiềm chế được.
“Hoàn toàn.” Em trả lời tôi.
“Em cho rằng sống là điều tốt?” Tôi không nhịn được hỏi thêm.
Sau chốc lát suy nghĩ ngắn ngủi, em gật đầu với tôi: “Không tệ lắm.”
Khi ấy, tôi và em vẫn còn giữ mối quan hệ mập mờ xa cách mỗi lần gặp gỡ đều là lần cuối. Ngoại trừ những lúc trên giường thỉnh thoảng còn chế nhạo vài ba câu, chẳng biết bắt đầu từ khi nào, Tần Tranh dần đối xử với tôi… lịch thiệp như thể với người mà em hẹn hò vậy (phòng trường hợp mai mốt Tần Tranh đọc tới đây, tôi xin tuyên bố trước: Anh biết trước đó em chưa hẹn hò bao giờ đâu, đừng có mà nghiến răng nghiến lợi trước ví dụ tượng hình của anh đấy).
Ngoài tán tỉnh hời hợt ngoài mặt, tôi và em rất hiếm khi có những cuộc trò chuyện sâu sắc hơn với nhau. Mà trong những con số ít ỏi hiếm hoi ấy, tôi nhớ nhất là lần trên thang cuốn ở Shibuya, đôi mắt Tần Tranh nhuộm ánh đèn màu trong đêm trông dịu dàng mà ngây thơ đến khác thường.
Chẳng biết tại vì sao nữa, dịu dàng và ngây thơ. Thời điểm đó tôi đã cho rằng đây cũng là thái độ với “cuộc sống” mà Tần Tranh đã lựa chọn từ khi trưởng thành.
Thật diệu kỳ, rõ ràng mới đầu gặp mặt không hoàn toàn là thế này. Mà thời gian biến đổi cụ thể hình như là lúc… khi thái độ em dành cho tôi cũng bắt đầu nảy sinh những thay đổi?
Tôi quá đỗi ấn tượng với ánh mắt ấy, đến độ hai tháng sau đó tại Buenos Aires, khi tôi ôm đầu gối ngồi cạnh Tần Tranh, lần đầu tiên trong đời tôi chính thức nghĩ suy về kiếp sau như em từng nói, quay lại.
Nhưng tôi không dũng cảm và kiên định được như Tần Tranh.
Nếu quay lại, đơn giản thôi, tôi sẽ thành một con cá. Một con cá dành quá nửa cuộc đời sống ngơ nghễnh đần độn thậm chí không biết rằng mình đang sống dưới nước. Để rồi vào một ngày nào đó, nó đột ngột ý thức ánh sáng khúc xạ trên vảy mình là thứ đến từ không gian khác, bèn nhảy lên, vọt khỏi mặt nước.
Có lẽ tôi sẽ bị bắt đi, có lẽ sẽ trở thành một món ăn trên mâm cơm của người ta, hoặc nếu có thể, tôi sẽ cho phép Tần Tranh ăn sạch tôi (nếu em bất hạnh đầu thai thành một con mèo).
Thì ra, tôi đã suy tưởng hoàn chỉnh về cuộc đời tiếp theo từ lâu đến thế.
Được rồi, tạm thời viết tới đây vậy.
Hình như đã viết nhiều lắm, lại vừa hệt như chẳng viết được gì. Mới đầu tôi định viết chút gì đó tình cảm và dặn dò thực tế hơn, cơ mà tôi nghĩ thật ra những điều ấy tôi và em từ lâu đã ngầm hiểu với nhau chứ nào cần bật thốt thành lời.
Về câu chuyện về sự sống. Đến nay tôi vẫn chưa thấu đáo được một phần ngàn, không những vậy, tôi va vấp cả đường quãng đường đi. Và xuyên suốt chặng đường kiếm tìm này, tôi dần bóc mở nỗi nhớ mong, yếu đuối, sự kỳ vọng và dựa dẫm vào người khác nơi chính mình, từng chút từng chút, gom nhặt vào chiếc túi vốn trống trơn chỉ để chứa đựng sự “tự do” rỗng tuếch.
Nhưng thật tốt quá, tôi vẫn có thể bay, và điểm đích nơi tôi bay đến nay rõ ràng hơn bao giờ hết.
Ngoài hành lang có tiếng bước chân, tôi nghe được, Tần Tranh về.
#
“Anh mới vội vội vàng vàng giấu cái gì đó?”
“Thứ em dễ biết thế anh còn giấu làm gì?”
“Anh ngày càng giỏi tiếng Trung ấy nhỉ.”
“Em đang mắng anh đó hả?”
“Em đang yêu anh.”
“… Em biết câu này không?”
“Câu gì?”
“Sự sống của con người nói thẳng ra cũng giống như một hiện tượng tự nhiên vậy. Sinh ra thế nào, tồn tại thế nào, chết đi thế nào … tất cả đều như tuyết và mưa, rơi từ trên trời xuống không cần ý nghĩa hay lý do. Suy nghĩ muốn tự sát cũng vậy.”
(*Tiếng Thét – Hamanaka Aki)
“Em không biết.”
“Vậy thì bây giờ biết.”
“…”
“Sao em lại nhìn anh bằng ánh mắt đó hahaha, thôi được thôi được, ý anh muốn nói là…”
Anh muốn nói là, Tần Tranh à, về câu chuyện sự sống mà đến nay anh vẫn chưa thấu hiểu đến một phần ngàn. Có lẽ thứ gọi là sự sống của nhân loại cũng chỉ là một hiện tượng tự nhiên. Sinh ra thế nào, tồn tại thế nào, chết đi thế nào đều như tuyết với mưa rơi từ trời xuống không cần ý nghĩa hay lý do. Suy nghĩ muốn tự sát cũng vậy, và giờ đây, với tư cách là một phần ít quan trọng nhất cấu thành nên vũ trụ, là một hiện tượng tự nhiên, trong khoảnh khắc mở mắt được nhìn thấy em mỗi ngày, cảm giác muốn được san sẻ niềm vui nỗi đau cùng em trong lòng anh, cũng chỉ là như thế thôi em.
Không cần ý nghĩa hay lý do, nhưng đủ sức chèo chống anh đi hết phần đời còn lại.
“Em lại dấm dúi giấu giếm gì trong túi? Không được né!”
“Em không có né, thưa anh, em là con người đàng hoàng.”
“Em viết thư tình cho ai, cậu kia? Đến phong thư còn chưa dán hết. “Thân yêu”… bộ em nhờ người máy viết hộ em đấy à?”
“Anh để mặt mũi cho em xíu đi, đừng cười em.”
“Anh coi bộ em cũng cười dữ lắm đó. “Thẩm Gia Ánh thân yêu, chào anh!” khúc sau sao nữa? Khúc sau đâu?”
“Anh đừng đọc to tiếng thế. Em chưa viết xong, lần đầu em…”
“Lần đầu em cái gì?”
“Lần đầu em nhờ người máy viết thư giúp em, người máy đần không viết được… anh đừng cười nha.”
#
Thẩm Gia Ánh thân yêu:
Chào anh.
Em viết bức thư này gửi anh khi em đang ở bên ngoài phòng phẫu thuật.
Thật ra em đã bắt đầu viết từ trước đó lận, còn bị anh phát hiện nữa. Nhưng hôm nay em mới chính thức viết tiếp. Lần đầu tiên em viết thư (không nhờ người máy) nên viết khá chậm, khả năng cao cũng không được hay ho gì, đến khi anh đọc cố gắng nhịn cười nhé.
Thật ra em muốn nói với anh nhiều điều lắm.
Có lẽ anh không biết, đã từ rất lâu trước đây, mỗi lần nhìn anh em chắc chắn sẽ trở nên mất kiểm soát không diễn đạt nổi suy nghĩ trong đầu, giống như hơi ngà ngà say rượu vậy. Em có thể nói với anh nhiều hơn với người khác, nhưng em cứ không sao biểu đạt hết suy nghĩ trong một lần. Em nghĩ nếu viết ra giấy chắc sẽ có ích, nhưng đặt bút, lại bỗng thấy hóa ra mình đã nói với anh thật nhiều, hoặc rằng anh đã ngầm hiểu mà không cần nói ra, nên viết chẳng để làm gì. Thế nhưng sau một lúc ngẫm nghĩ kỹ, em vẫn quyết định lấy giấy viết thư ra.
Em nghĩ ngày trước đôi mình quá tuân thủ “quy tắc giao tiếp của người trưởng thành”. Bây giờ em (chí ít là em trong thời khắc này) cảm thấy, có những lời cho dù lòng đã biết rõ, em vẫn muốn chính miệng nói cho anh nghe.
Thật sự, em không chắc điều gì đang chờ đợi em tiếp theo. Thời gian bên ngoài phòng phẫu thuật trôi chậm quá, nói ra thì hơi xấu hổ, trước khi đặt bút lên tờ giấy viết thư cuối cùng này tay em run đến độ không cầm nổi bút, viết sai dòng mở đầu tận ba lần. Nếu anh soi kỹ chắc sẽ thấy dấu bút mấy lần trước em đè lên.
Nhưng cuối cùng, vẫn giống như anh đọc hôm đó vậy (cái giọng to oang oang của anh vẫn còn bên tai em nè), cuối cùng em viết: Thẩm Gia Ánh thân yêu, chào anh.
Trước hết viết gì đơn giản đã, hồi đi học em giỏi viết tài khoản kế toán lắm.
Cuối tháng bảy, khi màu nắng Iceland nhạt dần, mặt trời mọc lúc nửa đêm đã chuyển thành sau hai giờ sáng, nhưng vẫn có cảm giác rất gần với ngày vùng cực.
Cách đây ít lâu em gọi điện nhờ Ký Thần ghé Giang Thành, gói ghém chỗ đồ đạc ít ỏi còn sót lại trong căn hộ, gửi cho em vài món quan trọng trước khi trả nhà.
Cậu ta hỏi em: Cậu không định về thật à?
Em trả lời cậu ta: Không biết. Chuyện tương lai thì để tương lai tính.
Hôm nay không lo chuyện ngày mai, ngày mai không nghĩ lại chuyện hôm qua. Chẳng phải cuộc sống được dệt từ hàng loạt ngã ba đường do những quyết định mà thành? Chỉ khác nhau ở chỗ quyết định ấy có được đưa ra sau một quãng thời gian suy tính dài dặc, hay đôi khi nhanh chóng và liều lĩnh.
Đều được cả, thế cứ trải nghiệm đi.
Nghe em nói vậy, cậu ta cười thật lâu, đồng thời nhờ em hỏi thăm anh giúp cậu ta.
Tốc độ giao hàng của Reykjavik khá chậm, để lấy thùng đồ đó mà sáng hồi đầu tuần em phải tự lái xe ra khỏi nội thành đến sân bay. Lần này em không mướn xe, mà là Jeff cho em mượn —— Em biết, hôm đó anh lén viết nhật ký nên đã nhờ Jeff giữ chân em.
Em sẵn lòng vâng theo nguyện vọng của anh, nhưng em cũng vẫn muốn trở về thật mau để được nhìn thấy anh.
Từ thuở thiếu niên em đã có kinh nghiệm du lịch một mình phong phú. Nhưng có lẽ vài tháng qua đã quen với việc đồng hành cùng anh, lần này, dù cho biết rõ mình có thể ung dung đi về giữa ban ngày dài dặc, mà sao em như người đưa thư đang vội vã, cứ nhấn chân ga hết tốc lực cho thêm nhanh. Thế chứ em vội cũng là phải, sân bay không mở cửa 24/7 nên nếu để lỡ giờ làm việc, chuyến đi dài này lại thành công cốc —— Cơ mà điều bất ngờ là dù suốt đường đạp ga, lòng em chẳng mảy may sợ hãi “công cốc” trở thành khả năng có thật.
Bỏ lỡ thì bỏ lỡ vậy, hôm khác đi cũng được. Cuộc đời này dài thế, em luôn có cơ hội nhận được thùng đồ nọ.
Đây là “cảm giác thư thả” mà anh và cuộc sống tại Bắc Âu đem đến cho em chăng?
Em hơi buồn cười, muốn chia sẻ sự biến chuyển thần kỳ trong vô tri vô giác này cho anh nghe. Nhưng đắn đo nhiều khi anh đang cắn bút hoặc rong chơi trong giấc mơ, em tạm thời dằn xuống ý định gọi điện thoại cho anh. Em dừng xe ở ven đường, chụp tấm hình chốn hoang vu và những áng mây bồng bềnh ở chân trời, lưu vào album “Khi còn sống” giống như anh vậy. Tối qua em vừa cho anh xem đó, anh nhớ không?
Còn trong thùng bưu kiện kia thì không có gì. Một bộ mô hình lego tàu thủy thu nhỏ đã lắp ráp.
Món nọ là đồ dễ bể nên Ký Thần tốn công tốn sức hùng hục mới cam kết gửi nó tới nơi toàn vẹn. Để đền bù, em đã chuẩn bị của hồi môn cho Ký Hoài An.
Đương nhiên, bé không lấy chồng cũng được, thế thì coi như khoản tiết kiệm nho nhỏ em dành cho tương lai tự do của bé.
Đây không phải ý tưởng của em.
Em biết một bí mật sớm hơn anh này, lần trước gọi điện ngoại có kể cho em nghe —— Hồi mẹ anh tiểu thư Thẩm Ninh còn nhỏ xíu, ngoại đã để dành một khoản tiết kiệm tương tự vậy cho mẹ anh. Sau này khi mẹ bồng anh về, mẹ anh đã trả lại cho ngoại một khoản tiết kiệm gấp bội. Sau này, số tiền ấy trở thành học phí đại học của anh.
Em nghĩ đó cũng là khoản tiết kiệm tự do mà tiểu thư đội mũ nồi màu hồng dành cho anh.
Khoản tiết kiệm vẫn chưa hết. Từ hồi tốt nghiệp anh đã độc lập kinh tế, thi thoảng còn gửi tiền về cho ngoại, ngoại tiêu một ít, để dành lại một ít, mấy năm qua cũng thành một khoản. Ngoại nói, lần tới ngoại tới Iceland sẽ tự tay trao trả cho anh.
Phải rồi, em để mô hình tàu thủy trong nhà, trưng trên bệ cửa sổ với mấy lọ nến, chờ anh về là thấy được ngay.
Đôi mình đã quen nhau được bốn năm, hình như em ít khi tặng quà cho anh.
Ngày xưa em cứng nhắc gàn dở quá, cứ thấy chí ít giữa anh với em, tặng quà là chuyện chỉ có người yêu mới làm. Em chưa từng một lần nghĩ về quan hệ của đôi mình, nhưng thật sự, em đã từng có lần không kiềm nổi muốn tặng cho anh thứ gì đó.
Không phải để đánh dấu anh là của em. Mà chỉ tình cờ trông thấy ngoài tủ kính, bỗng nhiên nhớ đến anh nên mua về nhà.
Em không giỏi những việc thách thức tính kiên nhẫn này lắm đâu, em tốn vài buổi tối sau giờ làm việc mới ráp thành hình. Nhưng em thích nó lắm —— chiếc thuyền ấy mang tên “Kiếp Sau”, em nghĩ chắc rằng anh cũng sẽ rất thích.
Thật ra, mỗi khi anh ngủ em sẽ luôn ngắm anh.
Anh của lúc ấy im ắng vô cùng, hệt như một đóa quỳnh nở rộ trong thầm lặng.
Hình dung bằng hoa quỳnh chắc vẫn chưa chính xác lắm. Em biết một loài hoa khác, cánh hoa bình thường màu trắng, nhưng khi ướt nước mưa lại biến thành trong suốt. Có lẽ anh giống như loài hoa này vậy. Mà trước đó, hình như em cũng từng ví von anh thành hoa thủy tiên.
Thì ra anh là loại “hoa hoa” công tử.
Phải rồi, ngoài Kiếp Sau ra, em còn bảo Ký Thần gửi sang cho em một tờ giấy ghi chú.
Cậu ta chụp ảnh cho em xem em mới biết được, chắc anh không nhớ rõ buổi sáng hôm đó trước khi đi anh đã dán gì trên tủ lạnh nhà em.
Em biết anh đang học làm thơ, chỉ có điều riêng khoản này em dốt đặc từ hồi đi học, tiếc là không đồng cảm được với anh nhiều. Nhưng từ hồi đến Reykjavik, em cũng bắt đầu học đọc thơ. Kỳ diệu là có những câu chữ tưởng như nhai nát rồi chắp vá một cách ngẫu nhiên ấy lại chạm vào trái tim em đến thế.
Đèn phòng phẫu thuật vẫn sáng.
Hy vọng anh sẽ bỏ qua cho. Em vừa mới rời khỏi một lúc, giờ này em đang trong phòng hút thuốc viết tiếp gửi anh.
Đã quá lâu nicotin mới lại choán lấp cổ họng em, em mới sặc sụa một hồi thật dài, đoạn nheo nheo đôi mắt đẫm nước ngẩng lên, trông thấy một cây hoa ngoài cửa sổ.
Hóa ra ở đây cũng có loài hoa này.
Thẩm Thiêm, Thẩm Gia Ánh thân yêu, chào anh.
Giống như anh, những câu chuyện về sự sống và cái chết, về tình yêu và sự tiêu vong đối với em đến nay vẫn là một bài toán chưa có lời giải. Nhưng em nghĩ, thực ra em cũng có thể lờ mờ chạm đến được đáp án.
Gió thổi
#
“Anh Tần! Anh đang ở đâu!”
“Ca phẫu thuật đã kết thúc! Anh… sao anh lại khóc thế?”
“Không có gì.”
Chỉ là bỗng nhớ đến một câu thơ.
#
“Gió thổi lên mái tóc dài người, một tấm lưới đen tuyền tung thả trên đôi gò má tôi…”
“Cả đời tôi không muốn chạy thoát.”
.
Tác giả có lời muốn nói:
Trích dẫn từ Tiếng Thét – Hamanaka Aki
Hai câu thơ cuối được chỉnh sửa từ tác giả Hải Tử
Còn một ngoại truyện, thường ngày + đêm vùng cực